[NLVH-HSG] PHÂN TÍCH TÁC PHẨM “ĐỒNG CHÍ” (CHÍNH HỮU)

Ngày 20/11/2020 08:04:47, lượt xem: 21627

PHÂN TÍCH TÁC PHẨM “ĐỒNG CHÍ” (CHÍNH HỮU)

SOẠN BÀI: ĐỒNG CHÍ

Ý NGHĨA NHAN ĐỀ: ĐỒNG CHÍ

KẾT BÀI: ĐỒNG CHÍ

Văn chương giống như một cây bút đa màu, nó vẽ lên bức tranh cuộc sống bằng những gam màu hiện thực. Văn chương không bao giờ tìm đến những chốn xa hoa mỹ lệ để làm mãn nhãn người đọc, nó tiếp cận hiện thực và tiếp nhận thứ tình cảm chân thật không giả dối. Người nghệ sĩ đã dùng cả trái tim mình để đưa bạn đọc trở lại với đời thực để cùng lắng đọng, cùng sẻ chia. Bài thơ Đồng chí, Chính Hữu đã dẫn chúng vào bức tranh hiện thực nơi núi rừng biên giới nhưng thấm đẫm tình đồng chí đồng đội bằng thứ văn giản dị, mộc mạc. Hãy cùng Học văn chị Hiên phân tích tác phẩm này nhé!

Đề bài: Phân tích tác phẩm “Đồng chí” của Chính Hữu

Mở bài:

Thơ thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp

Lật trái trang thơ may ra anh đọc được trên kia đời tôi một ít

Thơ không phản ánh đời mình thì nó cũng phản ánh những mùa hoa.

(Chế Lan Viên)

Thân bài:

Phải chăng thơ ca là vậy, nó vẫn luôn phản ánh những mùa hoa đẹp như thế. Hơn hai nghìn năm trước, Trang Tử đã có một triết lý rất hay như thế này: “Biển cả là nơi mà tất cả các nguồn nước trên thế gian này đều ra đi từ đó, nhưng nó không vơi, và nó cũng là nơi đón nhận tất cả các nguồn nước nhưng nó không đầy”. Thơ ca cũng như những nguồn nước đều đi ra từ biển cả cuộc đời. Và hàng ngày, tiếng sóng thuỷ triều vẫn âm vang, chuyên chở sóng biển đời thường đến với những trang thơ. Nhưng sự chuyên chở ấy, có bao giờ ngừng nghỉ? Mảnh đất hiện thực, có bao giờ vơi khi người nghệ sĩ đến đó chở nắng gió cuộc đời tưới mát cho cây.  Thơ ca phải gắn cho mình vào nguồn mạch cuộc sống, là tấm gương phản chiếu con người và cuộc sống. Bởi thế mà Sóng Hồng đã từng nói: “Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp”. Quan niệm ấy của Sóng Hồng đã được nhà thơ Chính Hữu thể hiện rất rõ trong tác phẩm “Đồng Chí” của mình.

Thơ là thể loại trữ tình phù hợp với mọi cung bậc cảm xúc thi nhân. Bao buồn vui trong đời rung cảm thi sĩ, bao nỗi niềm chất chứa trong tầm can đến lúc mãnh liệt mà “cất lên trang”. Thơ ca là điệu hồn, tâm hồn, là những xúc cảm thiêng liêng, mãnh liệt nhất của những người cầm bút. 

Thơ ca là sáng tạo đặc biệt của con người. Thơ thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp, nó là những sợi tơ rút ra từ cuộc sống và quay trở lại trang điểm cho cuộc sống bằng vẻ đẹp muôn màu của nó. Thơ ca đã có mặt cùng với sự phát triển của nhân loại suốt bao thời kì lịch sử và người ta cũng bắt đầu chú ý đến những vai trò, tác dụng kì diệu của nó đối với cuộc sống, đối với tâm hồn con người. Ý kiến của nhà thơ Sóng Hồng đã bàn về mối quan hệ giữa thơ với con người và cuộc sống thời đại đã sản sinh ra nó. Nhưng hiện thực cuộc sống đi vào thơ không phải là hiện thực trần trụi mà nó được thể hiện một cách cao đẹp,  nghĩa là ngợi ca, tự hào, yêu mến,... bằng những hình thức nghệ thuật độc đáo.  Hai yếu tố con người và thời đại không tách rời nhau mà gắn bó mật thiết trong cảm xúc và hình tượng thơ.

Với Chính Hữu, đó là những người nông dân mặc áo lính ra trận, tham gia đánh Pháp bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được, họ mang vẻ đẹp cao cả của lí tưởng yêu nước, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh cho Tổ quốc:

“Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”

Và giữa cái khắc nghiệt của chiến tranh, sự lạc quan tin tưởng vào ngày mai chiến thắng đã giúp các anh đứng vững kiên cường trong những năm tháng đánh giặc.  Một nụ cười đậm chất lính được Chính Hữu vẽ lại trong thơ:

“Miệng cười buốt giá chân không giày”

Điều gì khiến cho những chàng trai quanh năm chỉ quen tay cày, tay cuốc ấy đã hăng say lên đường cầm súng chiến đấu? Điều gì khiến những chiếc xe không kính ngày đêm lao đi trong mưa bom bão đạn? Điều gì khiến những cô gái vốn yếu mềm có thể hiên ngang chạm vào cái chết vô hình từ những quả bom? Đó chính là lòng chung thủy với quê hương, với mảnh ruộng nhà mình, với vợ con của mình:

"Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Gian nhà không mặc kệ gió lung la"

Nhà phê bình Nguyễn Đức Quyền đã nhận xét: “Ở ngoài mặt trận mà biết gió lay từng gốc cột ngôi nhà mình ở thì thật không còn từ ngữ nào để diễn tả hết tình cảm thiết tha của họ đối với gia đình mình.” Thế đó, ai mà không mong muốn được sống yên vui, hạnh phúc trong mái ấm gia đình? Nhưng vì nghĩa lớn, họ ra đi không tiếc đời mình, bỏ lại sau lưng tất cả những gì thân yêu nhất. Cũng như vậy, ở ngoài mặt trận mà biết “Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính” chứng tỏ họ đang nhớ quê hương, nhớ người mình thương biết nhường nào! Mối giao cảm đậm đà sâu sắc ấy, đã tiếp thêm sức mạnh cho người lính trên những chặng đường chiến đấu. Chính Hữu đã dùng những nét chạm khắc vô cùng chân thực về hoàn cảnh sống gian lao, thiếu thốn của người lính:

“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi

Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá

Miệng cười buốt giá chân không giày”

Hình ảnh “Sốt run người, vầng trán ướt mồ hôi” là những biểu hiện cụ thể về căn bệnh sốt rét rừng, nguy hiểm khi mà trong chiến tranh không có đủ thuốc men để chạy chữa. Và hiện thực khó khăn ấy, không chỉ xuất hiện trong thơ Chính Hữu mà trong rất nhiều tác phẩm thơ thời chiến cũng đều có sự góp mặt của căn bệnh này:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm”

Hay trong bài “Dấu chân qua trảng cỏ”, Thanh Thảo từng viết:

“Những người sốt rét đương cơn

Dấu chân bầm xuống đường trơn ướt nhòe”

Không dừng lại ở đó, người lính còn phải đối diện với cả sự thiếu thốn, khó khăn về vật chất: “Áo rách vai, quần vài mảnh vá” và “chân không giày”. Nhưng trong hoàn cảnh ấy, những người lính vệ quốc, họ đã chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau bằng những hành động chân thành: “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Họ đã truyền cho nhau hơi ấm của tình thương, cùng dắt tay nhau tiến lên phía trước, vì mục tiêu lí tưởng cách mạng lớn lao, vì hòa bình dân tộc. Và có lẽ tình yêu thương nhau đã lấp đầy khoảng trống, làm dịu vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Điều ấy đã làm cho tình đồng chí thêm keo sơn, gắn bó và hóa thành sức mạnh đoàn kết trong suốt cuộc kháng chiến trường kì.

Nét nổi bật trong bài thơ chính là hình ảnh “Đầu súng trăng treo”. Đây là một sáng tạo đặc sắc, giàu chất hiện thực và giàu cảm hứng lãng mạn. Hình ảnh “súng - trăng” được đặt cạnh nhau khiến người đọc có nhiều liên tưởng: giữa thực tại và mơ mộng, giữa chiến tranh và hòa bình, giữa chiến sĩ và người thi sĩ. Sự đan cài giữa hiện thực và lãng mạn ấy vừa cho thấy được hiện thực chiến tranh vất vả lại vừa toát lên vẻ đẹp tâm hồn của người lính:

“Những bông hoa nở trong ngày khói lửa

Vẫn ngát hương và chan chứa niềm tin

Không ngại chi súng đạn với bom mìn

Mang hy vọng trong ánh nhìn sáng rực”

Hiện thực trong thơ là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan đã được khúc xạ qua lăng kính thi sĩ. Sự sáng tạo ở đây thể hiện qua góc nhìn mới mẻ, độc đáo và những phát hiện riêng của người cầm bút trong quá trình khám phá hiện thực cuộc sống. Có nhà thơ đã nói: “Thơ chỉ bật ra khi trong tim ta cuộc sống đã tràn đầy”. Chất liệu cuộc sống trên đường thâm nhập vào tác phẩm đã mang theo bao nỗi niềm của người sáng tạo và khi bài thơ trở lại với cuộc đời, nó đã in dấu “tâm hồn cá biệt” của nhà thơ. Thật chí lí khi một nhà thơ nước ngoài nói đại ý: “Thế giới nứt làm đôi, vết nứt xuyên qua con tim nhà thơ”. Nỗi đau ấy, khi đến với chúng ta đã “nhuốm máu” người nghệ sĩ. Chất cá tính trong thơ làm cho tác phẩm khỏi “kho khan” và “nhạt nhẽo”, làm cho thơ nói được điều ngàn xưa đã nói mà vẫn mới mẻ như thường. Vẻ đẹp của tình đoàn kết giai cấp, hình ảnh làng quê ruộng vườn, cái nghèo,... của dân tộc Việt Nam trong suốt những năm tháng chống giặc là những chi tiết cuộc sống vô cùng chân thực khi tác giả viết bài thơ  này:

“Quê hương anh nước mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”

Những người lính cách mạng trong bài thơ tham gia cuộc kháng chiến đều xuất thân từ nông thôn, chưa từng quen biết nhau từ trước. Đúng như Nguyên Hồng đã viết: “Lũ chúng tôi bọn người tứ xứ”, họ có người đến từ miền biển, có người đến từ đồi núi. Nhưng tất cả họ đều lớn lên từ những vùng cơ cực, lớn lên trong cảnh nghèo khó, lam lũ, vất vả. Sự tương đồng trong xuất thân ấy đã giúp họ gần nhau, quen nhau và gắn bó với nhau:

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.

Ruộng nương, gian nhà, giếng nước, gốc đa… là những hình ảnh giản dị, quen thuộc ở mọi làng quê Việt Nam. Có lẽ lúc này, người lính đang rất nhớ tới quê hương, nơi có gia đình, người thân, có ruộng nương, gian nhà, những tình cảm đẹp đẽ của họ từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành. Nhưng từ “mặc kệ” đã cho thấy sự quyết tâm ra đi của những người lính; họ gửi lại quê hương, ruộng nương, gian nhà và cả những tình cảm buồn vui của thời thơ ấu cho người thân yêu để lên đường cầm súng đánh giặc cứu nước. 

Kết bài:

Trong bài thơ Đồng Chí người lính xuất hiện trên cái nền của hiện thực khốc liệt những ngày đầu kháng chiến trường kì: “Súng bên súng”, “Rừng hoang sương muối”, “Đứng cạnh nhau chờ giặc tới”,... đã thể hiện vẻ đẹp lí tưởng anh  hùng của thời đại cách mạnh Hồ Chí Minh. 

Để làm nên thành công của tác phẩm, không thể không nhắc đến sự xuất sắc của ngòi bút Chính Hữu trong việc xây dựng hình tượng người lính cách mạng. Ngôn ngữ trong thơ hết sức giản dị, cô đọng và giàu sức biểu cảm khiến cho nó dễ dàng chạm sâu đến trái tim bạn đọc. Sử dụng thành ngữ, cấu trúc, hình ảnh sóng đôi giàu tính biểu tượng, hình ảnh hoán dụ mang tính nhân hóa, bút pháp hiện thực và bút pháp lãng mạn, “Đồng chí” đã làm hiện và nổi bật lên tình đồng chí cao đẹp vừa giản dị lại vừa thiêng liêng, thơ mộng của những người lính cụ Hồ. Bài thơ đã kết thúc nhưng nó sẽ còn sống mãi chừng nào con người chưa mất đi bản năng của chính mình: sự rung động. Quả thật văn chương đã tạo ra cho mình một thế đứng riêng còn mạnh hơn lịch sử. Cùng tái hiện lại một thời đau thương nhưng vĩ đại và hình tượng người chiến sĩ nhưng văn chương đã đến với người đọc theo con đường của trái tim, gây nên những xung động thẩm mĩ trong tâm hồn con người, làm thành sự xúc cảm tận đáy tâm hồn và những ấn tượng không thể nào quên. Đó là những năm đau thương chứng kiến những con người cao cả kiên cường, những người lính dũng cảm bất khuất. Họ không khô khan mà bầu nhiệt huyết nung nấu, tràn đầy lòng hy sinh, với tình đồng đội trong sáng, thân ái.

Ý kiến của nhà thơ Sóng Hồng là một ý kiến đúng đắn, vì đã lấy con người và thời đại làm cảm hứng sáng tạo trong thơ. Con người chính là linh hồn của thời đại và thời đại tạo ra vẻ đẹp con người. Thơ ca luôn nồng nàn, ấm áp hơi thở cuộc đời và mang dấu ấn sáng tạo nghệ thuật của người cầm bút. Thơ là dòng sông soi bóng cuộc đời, len vào tâm hồn con người những mạch nguồn cảm xúc dạt dào chảy mãi không thôi. Nhà thơ phải “yêu cuộc đời” và trân trọng “nghệ thuật” mới vun đắp những vần thơ nở ra cánh hoa thơm ngát tô điểm cho cuộc đời và con người. 

Đồng Chí của Chính Hữu là một bài thơ độc đáo về anh bộ đội cụ Hồ, những người nông dân mặc áo lính, anh hùng áo vải trong thời đại Hồ Chí Minh. Một tượng đài tráng lệ mộc mạc, bình dị mà cao cả thiêng liêng về con người Việt Nam trong cuộc chiến tranh thần thánh, trường kì chống Pháp, qua đó cảm hóa ý thức sâu sắc tuổi trẻ hôm nay về lòng yêu nước và tự hào dân tộc.

Học văn chị Hiên mong rằng những kiến thức tham khảo trên đây sẽ giúp các bạn viết nên những bài văn của riêng mình thật hay, xuất sắc nhé! Để theo dõi thêm những bài học, kiến thức bổ ích, theo dõi ngay Học văn chị Hiên

Chúc các bạn nhỏ luôn học tốt!

Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn 🌿🌿

 

Tin liên quan